EnglishVietnamese

Tin tức

Bệnh tim mạch gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam

Ngày: 08/07/2023

Mỗi năm có hơn 200.000 người Việt qua đời vì bệnh tim mạch, gấp đôi số người mất vì ung thư, là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất.

"Bệnh lý tim mạch thực sự là gánh nặng cho xã hội, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, dù ở các nước phát triển hay đang phát triển, trong đó có Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim, Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội, cho biết tại Hội nghị Khoa học Tim mạch, ngày 8/7.

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật thay động mạch chủ cho bệnh nhân. Ảnh:Hùng Ngô

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật thay động mạch chủ cho bệnh nhân. Ảnh: Hùng Ngô

20 năm trước, bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây tử vong chính, trong khi chết do tim mạch chưa tới 10% các nguyên nhân. Ngày nay, mô hình bệnh tật thay đổi, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng 20% so với hai thập kỷ trước, chiếm 33% nguyên nhân gây tử vong. Tức cứ 100 người chết có 33 trường hợp do bệnh lý tim mạch.

PGS Hiền cho biết những năm trước, Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân khám, điều trị một ngày, nay con số là 2.200. 6 tháng đầu năm, bệnh nhân khám tăng 20% so với cùng kỳ, số phẫu thuật và can thiệp tim mạch cũng tăng hơn 20%. Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất.

"Đặc biệt, bệnh tim mạch đang có xu hướng trẻ hóa. Hiện, các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở tuổi ngoài 20, nhiều trường hợp hơn 30 tuổi đã phải làm cầu nối mạch vành, đặt stent", bác sĩ Hiền nói.

Sự thay đổi này là do nhiều yếu tố, trong đó có lối sống như chế độ ăn uống không hợp lý, hút thuốc lá, uống rượu bia, lười vận động. Đặc biệt, căng thẳng, stress kéo dài cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Trong khi số ca mắc tăng cao, thì khả năng cung ứng dịch vụ về y tế còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc điều trị. Cả nước có khoảng 100 trung tâm khám, can thiệp tim mạch, phân bổ chủ yếu ở các thành phố lớn, còn tuyến xã, tuyến huyện hầu như không có. Điều này khiến nhiều người dân không được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời.

Mặt khác, bà Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đánh giá chi phí cho khám, chữa bệnh tim mạch cũng là gánh nặng kinh tế. Dấu hiệu bệnh thường xuất hiện thoáng qua, không rõ ràng, khiến người mắc không để ý cho đến khi chuyển nặng. Lúc này, bệnh chuyển biến phức tạp, cần phác đồ, phương pháp phẫu thuật, thủ thuật can thiệp, càng tốn kém hơn.

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị Khoa học Tim mạch, ngày 8/7. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị Khoa học Tim mạch, ngày 8/7. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tiến sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người mắc suy tim, 25% tử vong trong năm đầu sau khi được chẩn đoán, phần lớn do điều trị không đầy đủ, như không tái khám và uống thuốc thường xuyên. Trong khi đó, đây là bệnh cần quá trình khám chữa lâu dài, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ, định kỳ bởi một đội ngũ nhân viên y tế (heart team) gồm bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, bác sĩ dinh dưỡng, phục hồi chức năng, nhằm cải thiện kỳ vọng sống và chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ khuyến cáo mỗi người dân cần trang bị các kiến thức về các bệnh lý tim mạch, duy trì thói quen sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ như tập thể dục, cân nặng hợp lý, hạn chế bia rượu thuốc lá, căng thẳng. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn dưới 5g muối/ngày, ăn nhiều rau quả, cá, hạn chế chất béo có hại, đồ ngọt.

Nhà tài trợ