EnglishVietnamese

Tin tức

Ca bệnh tim mạch ở Việt Nam tăng 20% mỗi năm

Ngày: 30/09/2023

Số ca bệnh tim mạch tăng trung bình khoảng 10-20% mỗi năm, là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất, gấp đôi số người mất vì ung thư.

"Bệnh tim mạch luôn được ví như 'kẻ giết người số 1 thế giới' vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư", PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim, Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội, cho biết tại Hội nghị tim mạch 2023, ngày 30/9. Hội nghị nhằm trao đổi, cập nhật kiến thức mới nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh lý về tim mạch.

10 năm trước, mỗi năm Bệnh viện tim Hà Nội làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân. Hiện, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng nhiều với tốc độ tăng 15% mỗi năm. Điều đáng lo ngại là người mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa, trong đó nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 được ghi nhận.

Số ca mắc tăng cao kéo theo số người tử vong, khi mỗi năm căn bệnh cướp đi sinh mạng của 200.000 người, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong ở nước ta. Bộ Y tế cho biết cứ 100 người chết có 33 người do bệnh lý tim mạch.

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật thay động mạch chủ cho bệnh nhân. Ảnh:Hùng Ngô

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật thay động mạch chủ cho bệnh nhân. Ảnh: Hùng Ngô

Nguyên nhân khiến số ca tim mạch ngày càng tăng là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, nguy cơ hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, từ đó dẫn đến các bệnh tim mạch. Ngoài ra, lối sống công nghiệp, ít vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng góp phần khiến số ca mắc mới tăng.

Bên cạnh đó, không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khi tiếp xúc các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài sẽ làm tăng 10-20% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Nga

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Nga

Phó giáo sư Hiền cho biết trước bối cảnh bệnh tim mạch đang để lại gánh nặng lớn, đòi hỏi các bác sĩ luôn phải tiếp cận với các phương pháp mới để tối ưu hóa chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. Hiện, trình độ chuyên môn điều trị hay can thiệp tim mạch của Việt Nam hiện đã tiệm cận các nước tiên tiến, điều trị được hầu hết bệnh lý tim mạch. Những bệnh nhân rất nặng trước đây phải chuyển sang nước ngoài thì nay có thể điều trị tại Việt Nam. Các kỹ thuật hiện đại trên thế giới như thay van động mạch chủ qua ống thông, sửa van hai lá... được bác sĩ Việt Nam sử dụng thành thạo.

Người dân được khuyến cáo trang bị các kiến thức về các bệnh lý tim mạch, duy trì thói quen sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ như tập thể dục, cân nặng hợp lý, hạn chế bia rượu thuốc lá, căng thẳng. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn dưới 5g muối/ngày, ăn nhiều rau quả, cá, hạn chế chất béo có hại, đồ ngọt.

Người bệnh tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid, cần có các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.

Nhà tài trợ