EnglishVietnamese

Tin tức

Cuộc cách mạng trong kỹ thuật mổ tim

Ngày: 27/02/2024

Thay vì phải chịu đau đớn với đường mổ dài hàng chục cm, kèm cưa xương ức, hiện nhiều bệnh nhân hở van tim có thể hồi phục nhanh chóng với vết mổ chỉ 5 cm.

Bà Phương, 57 tuổi, đột ngột đau ngực rồi ngất. Kết quả chẩn đoán tại Bệnh viện Tim Hà Nội, van động mạch chỉ có 2 lá van, trong ở người bình thường có 3 lá van. Do bị lỗi bẩm sinh, cấu trúc van này dễ bị thoái hóa, gây hẹp và hở van.

Ở bệnh nhân này, bác sĩ bắt buộc phải sử dụng phương pháp mổ mở kinh điển, mổ dọc xương ức dài 20-25 cm. Với người bệnh cao tuổi, xương bị loãng nên vết mổ chậm liền, nguy cơ viêm xương ức lớn, tăng tỷ lệ tử vong. Ở người trẻ, đặc biệt là phụ nữ, vết mổ dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ. Ngoài ra, bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn, thời gian nằm viện và phục hồi kéo dài.

Để khắc phục nhược điểm của mổ mở, các bác sĩ thế giới đã áp dụng phương pháp mổ ít xâm lấn từ 2005. Mổ tim ít xâm lấn nghĩa là tất cả phẫu thuật tim hở thông qua các đường mở nhỏ, không cần cưa toàn bộ xương ức. Kỹ thuật được chia thành nhiều cấp độ, trong đó gồm phẫu thuật không sử dụng nội soi, nội soi hỗ trợ hoặc nội soi toàn bộ. Đây là xu thế của thế giới, vừa điều trị được bệnh, vừa đảm bảo thẩm mỹ và giảm biến chứng.

Tuy nhiên, một thập niên trước, phương pháp này chưa phổ biến ở Việt Nam, hầu hết các ca mổ tim đều phải cưa xương ức. Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, nhớ lại trong các ca mổ theo cách cũ, đường mổ kéo dài từ hõm ức đến hết chiều dài xương ức 15-20 cm, khiến bệnh nhân phải chịu đau đớn, nguy cơ mất máu, nhiễm trùng, viêm trung thất, viêm xương ức. Kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn ra đời được coi là cuộc cách mạng, khắc phục hầu hết các nhược điểm của mổ cưa xương ức, giáo sư Việt đánh giá. Theo đó, bệnh nhân giảm nguy cơ biến chứng, chỉ phải rạch đường mổ 5 cm, thời gian nằm viện giảm một nửa.

Lúc đó, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, 53 tuổi, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bắt đầu lên internet đọc tài liệu, tìm kiếm các thông tin liên quan kỹ thuật mổ tim tiên tiến. Khi đó, một số nước châu Âu, Mỹ đã báo cáo các trường hợp mổ tim ít xâm lấn, song mọi thứ thật khó khăn với bác sĩ Việt Nam khi không có người "cầm tay chỉ việc", ông Hiền chia sẻ.

Với kinh nghiệm gần 20 năm đứng mổ, PGS Hiền hiểu nhuần nguyễn về giải phẫu. Tiếp tục mày mò nghiên cứu đường mổ, sau gần một tháng, ông cùng đồng nghiệp sáng tạo và bắt tay chuẩn bị cho ca mổ đầu tiên bằng phương pháp mới - đường mổ nhỏ qua khe xương sườn hay khoang liên sườn, ít gây tổn thương nhất cho bệnh nhân.

"Với phương pháp mới, bác sĩ chỉ cần rạch đường ngắn 5-7 cm, mổ qua khe xương sườn, không đụng chạm đến xương ức, đường mổ rất nhỏ, vết mổ nhanh liền, an toàn cho người bệnh, tránh biến chứng, đặc biệt với các bệnh nhân cao tuổi", bác sĩ Hiền nói, thêm rằng sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, tiết kiệm chi phí, sau một tuần có thể xuất viện, trong khi phương pháp mổ cũ cần đến 2-3 tuần.

Bác sĩ Hiền cùng đồng nghiệp mổ tim ít xâm lấn cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Hùng

Bác sĩ Hiền cùng đồng nghiệp mổ tim ít xâm lấn cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Hùng

Mổ tim qua vết rạch 5 cm ở khe xương sườn ở Bệnh viện Tim Hà Nội ra đời từ 2019, sớm nhất ở Việt Nam. Đến nay, bà Phương và hàng nghìn bệnh nhân đã được mổ tim ít xâm lấn, hầu như không có biến chứng. Hiện số ca mổ tim ít xâm lấn tại nơi này chiếm 30%, dành cho mọi nhóm từ trẻ con đến người lớn. PGS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, đánh giá kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn đã ngang hàng với nhiều nước phát triển, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, góp phần đưa y tế nước ta tiệm cận với toàn cầu.

Do ưu việt của phương pháp mổ, nhiều bệnh nhân trên toàn quốc đã đến Viện Tim Hà Nội. Hồi đầu tháng 1, một người đàn ông 58 tuổi ở TP HCM, bị hở van tim 2 lá nặng, nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào, đã ra Hà Nội để được mổ tim ít xâm lấn, trong khi hầu hết bệnh viện khác tư vấn ông mổ phanh ngực. Sau mổ một tuần, bệnh nhân xuất viện, khỏe mạnh.

"Khi mổ tim ít xâm lấn, bác sĩ phải rất cẩn thận, không được sai sót, không được có động tác thừa vì một lỗi nhỏ cũng có thể trả giá bằng cả tính mạng người bệnh", PGS Hiền cho hay, thêm rằng khi phẫu thuật các bộ phận khác, các bác sĩ có thể tạm dừng để hội chẩn với đồng nghiệp. Nhưng ở mổ tim ít xâm lấn, bác sĩ phải thuần thục trong phẫu thuật kinh điển và chuyên môn cao về ngoại khoa tim mạch.

Lúc này, trái tim sẽ ngừng đập, phổi không hoạt động, nhưng vẫn phải giữ bệnh nhân sống và tiên lượng ổn định. Để can thiệp tổn thương tim, bác sĩ sẽ phải sửa chữa ở những vị trí thương tổn qua đường mổ ngực rất nhỏ (tính chất ít xâm lấn) và đòi hỏi có hệ thống video của máy nội soi để hỗ trợ việc nhìn rõ hơn vùng mổ. Các chuyên gia cần tận dụng từng giây và đòi hỏi thao tác chính xác cao độ vì nếu tim ngừng đập, bệnh nhân sẽ tử vong.

Đặc biệt, tại các quốc gia triển khai kỹ thuật này đều sử dụng thiết bị chuyên biệt, nhưng Việt Nam không có nên PGS Hiền cùng đồng nghiệp tự sáng tạo, sử dụng những dụng cụ, thiết bị hiện có. Điều này góp phần giảm chi phí của ca mổ so với mức giá tại nước ngoài.

Hiện số ca bệnh tim mạch tại nước ta tăng trung bình khoảng 10-20% mỗi năm, là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất, gấp đôi số người mất vì ung thư. Nhờ những kỹ thuật mổ tim tiên tiến như trên, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, hoặc rút ngắn được thời gian cũng như chi phí nằm viện. Ngoài Viện Tim Hà Nội, một số các trung tâm tim mạch lớn cũng áp dụng phương pháp này.

Nguồn: báo điện tử vnexpress.net

 

Nhà tài trợ