Tin tức
Cảm xúc trong một đêm chăm bố tại Bệnh viện Tim Hà Nội
Ngày: 11/04/2025
Vào những ngày đầu tháng 4 năm 2025, bố tôi bỗng trở nên mệt mỏi, ăn uống kém, chỉ nằm một chỗ không muốn dậy. Lo lắng, anh em chúng tôi cùng nhau bàn bạc, rồi quyết định đưa bố ra Hà Nội khám để tìm đúng chuyên khoa. Sau khi cân nhắc kỹ, cả nhà thống nhất đưa bố đến Bệnh viện Tim Hà Nội – nơi có chuyên môn sâu về căn bệnh mà bố đang gặp phải.
Ngày đầu tiên, anh em tôi cùng thay nhau chăm bố. Đến ngày thứ hai, tôi là người trực tiếp ra viện chăm sóc. Từ nhà đến bệnh viện mất khoảng một tiếng, nhưng trong lòng tôi vẫn bồi hồi – một phần vì lo cho sức khỏe của bố, phần khác vì không biết bệnh viện sẽ như thế nào. Đến nơi, tôi mới biết bệnh viện đang sửa chữa nên đã chuyển địa điểm tạm thời sang Trung tâm Y tế quận Tây Hồ.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là bác trông xe cao gầy, dáng người hiền hậu. Khi tôi hỏi về việc gửi xe qua đêm, bác nhẹ nhàng chỉ dẫn tận tình. Tôi bước vào tầng một, thấy các bệnh nhân đang ngay ngắn ngồi đợi khám, còn các y bác sĩ thì cắm cúi làm việc. Mỗi cầu thang máy đều có bảo vệ đứng hướng dẫn, ai ai cũng tận tình và lịch sự.
Lên đến tầng 5 – phòng số 2 của khoa các bệnh mạch máu, nơi bố tôi đang nằm điều trị – tôi bắt đầu quan sát và cảm nhận mọi thứ xung quanh. Đến khoảng 17 giờ, ở nhiều bệnh viện khác thường chỉ còn các bác sĩ trực, nhưng tại đây, tôi thấy đội ngũ y bác sĩ vẫn miệt mài làm việc, thăm khám, tư vấn cho từng bệnh nhân như thể chưa có khái niệm “hết giờ hành chính”. Tôi thậm chí còn hỏi một bác sĩ khi đi cùng thang máy:
– "Giờ này đã hết giờ làm rồi mà chị thấy các bác vẫn làm việc à?"
Bạn ấy mỉm cười và đáp nhẹ nhàng:
– "Dạ vâng, chúng em trực ạ."
Chỉ trong nửa ngày ở bệnh viện, tôi đã cảm nhận được sự chuyên nghiệp, tận tâm và đầy nhân ái từ từng bác sĩ, điều dưỡng đến bảo vệ. Từ việc đo huyết áp, kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân, đến việc nhắc nhở người nhà đúng giờ thăm nom – tất cả đều được thực hiện một cách nhã nhặn, ân cần.
Tôi đặc biệt nhớ mãi khoảnh khắc vào buổi tối, khi một gia đình có người thân đến muộn do đi xa. Dù đã hết giờ thăm bệnh, chú điều dưỡng vẫn cảm thông và nhẹ nhàng nói:
– "Cháu dành cho gia đình 2 phút nhé."
Chỉ 2 phút thôi, nhưng đủ để bệnh nhân và người thân trao nhau những lời thăm hỏi, tiếp thêm sức mạnh trong hành trình điều trị.
Khoảng 10 giờ đêm, phòng số 2 tầng 5 tắt đèn, mọi người chìm vào giấc ngủ. Tôi lại thao thức. Giữa màn đêm tĩnh mịch, tôi lặng lẽ chứng kiến những bước chân nhẹ nhàng của chú điều dưỡng – người đã mấy lần đến phòng khẽ mở cửa phòng vẫn âm thầm kiểm tra từng bệnh nhân, từng giường bệnh. Sự tận tâm ấy khiến tôi thực sự cảm động.
Đến khoảng 3 giờ sáng, khi tôi bước ra hành lang, hình ảnh các cô chú điều dưỡng vẫn đang thức trắng, miệt mài trực đêm in đậm trong tâm trí tôi. Những đôi mắt thấm mệt nhưng vẫn tràn đầy trách nhiệm. Tôi thầm nghĩ: "Chắc hẳn phải yêu nghề lắm, mới có thể hy sinh thầm lặng đến vậy."
Bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong ca trực đêm
Từ bác trông xe, bảo vệ, điều dưỡng cho đến các bác sĩ – ai cũng khiến tôi tin rằng: nơi đây là một tập thể tuyệt vời được dẫn dắt bởi một người lãnh đạo - Giám đốc tuyệt vời. Không phải ngẫu nhiên mà từng cử chỉ, từng lời nói, từng hành động đều đong đầy yêu thương và trách nhiệm đến vậy.
Chỉ trong chưa đầy 24 giờ, bệnh viện Tim Hà Nội đã để lại trong tôi những cảm xúc sâu sắc và sự biết ơn vô hạn. Tôi không mong mình hay người thân phải quay lại bệnh viện này – bởi không ai mong bệnh tật. Nhưng nếu ai đó chẳng may gặp vấn đề về tim mạch, tôi sẽ không ngần ngại khuyên họ đến đây, nơi có đội ngũ “lương y như từ mẫu” – tận tâm, tận tình và đầy trách nhiệm.
Xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả những con người đang ngày đêm thầm lặng chăm sóc người bệnh. Cảm ơn vì đã để lại trong tôi một kỷ niệm đẹp, một sự kính trọng, và cả một niềm tin yêu vào ngành y.